test_abc

Đẩy Lùi Sự Trì Hoãn Chỉ Trong 2 phút Với Nguyên Tắc Đơn Giản Này

Nguyên tắc 2 phút sẽ giúp bạn vượt qua sự trì hoãn, vì nó dễ đến mức bạn không thể từ chối việc bắt đầu hành động.

Học một ngoại ngữ mới ư? Ôi đơn giản ý mà, tháng sau hẵng bắt đầu. Giảm cân ư? Để sau sinh nhật đi… Con người quá dễ bị sa ngã vào vòng xoáy trì hoãn dù biết những việc kia rất tốt cho mình nhưng vẫn không thể cưỡng lại sự trì hoãn để bắt đầu.

Gần đây, tôi đã thực hiện theo phương pháp đơn giản giúp tôi “đè bẹp” sự trì hoãn và giúp tôi dễ dàng gắn bó với những thói quen tốt hơn cùng một lúc.

Tôi muốn chia sẻ nó với bạn hôm nay để bạn có thể thử nó và xem nó hoạt động như thế nào trong cuộc sống của bạn. Đó là Nguyên tắc 2 phút – một nguyên tắc không thể nào đơn giản hơn.

Nguyên tắc 2 phút

Hầu hết các nhiệm vụ mà bạn trì hoãn trên thực tế không khó thực hiện – bạn có đủ tài năng và kỹ năng để hoàn thành chúng – bạn chỉ tránh bắt đầu chúng vì một lý do nào đó. Nguyên tắc 2 phút đánh bại sự trì hoãn và sự lười biếng bằng cách khiến cho việc bắt đầu hành động trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, dễ đến nỗi bạn không thể nói “không”.

Nguyên tắc 2 phút có hai phần:

Phần 1: Nếu công việc chỉ mất ít hơn hai phút, hãy làm ngay bây giờ.

Phần 1 đến từ cuốn sách bán chạy nhất của tác giả David Allen: “Getting Things Done”.

Thật đáng ngạc nhiên là những việc bạn trì hoãn thực hiện lại là những việc có thể thực hiện trong vòng hai phút hoặc ít hơn. Ví dụ việc rửa bát ngay sau bữa ăn, cho đồ vào máy giặt, đi đổ rác, gửi mail,… Nếu là công việc chỉ tốn hai phút để thực hiện, hãy làm theo nguyên tắc này và thực hiện nó ngay lập tức.

Phần 2: Khi muốn hình thành một thói quen mới thì nó chỉ nên tốn ít hơn 2 phút để thực hiện

Liệu tất cả các mục tiêu có thể hoàn thành trong vòng chưa đầy 2 phút không? Tất nhiên là không rồi. Nhưng nó có thể BẮT ĐẦU chỉ trong vòng 2 phút hoặc ít hơn. Đây mới chính là điều cốt lõi của nguyên tắc này.

Có vẻ như chiến lược này quá đơn giản cho mục tiêu vĩ đại của bạn nhưng nó lại phát huy tác dụng cho bất kỳ mục tiêu nào chỉ vì một lí do: Nguyên lý của cuộc sống

Nguyên lý của cuộc sống

Trong định luật về quán tính, Isaac Newton đã nói: “Nếu một vật không chịu tác dụng của lực nào hoặc chịu các lực có hợp lực bằng không thì vật đang đứng yên sẽ tiếp tục đứng yên, vật đang chuyển động thẳng đều sẽ tiếp tục chuyển động thẳng đều”. Điều này cũng áp dụng cho con người giống như cho chính những quả táo đang rơi.

Nguyên tắc 2 phút có tác dụng đối với các mục tiêu dù lớn hay nhỏ do những quán tính của cuộc sống. Một khi bạn bắt đầu làm việc gì đó, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tất cả những điều tốt đẹp sẽ xảy ra một khi bạn bắt đầu.

Nếu muốn trở thành một nhà văn tài hoa chỉ cần bắt đầu viết một câu (Nguyên tắc 2 phút) rồi bạn sẽ thấy mình ngồi viết cả giờ đồng hồ.

Muốn ăn uống lành mạnh hơn? Hãy ăn thử một miếng trái cây thôi bạn sẽ thấy có động lực để làm món salad tốt cho sức khỏe.

Muốn hình thành thói quen đọc sách? Hãy bắt đầu đọc trang đầu tiên rồi bạn sẽ thấy mình dành cả buổi chiều chìm đắm trong những câu chuyện.

Muốn chạy 3 lần một tuần? Mỗi thứ 2, thứ 4, thứ 6 hãy đi giày vào và ra khỏi cửa và bạn sẽ thấy mình có động lực chạy.

Điều quan trọng nhất trong việc hình thành bất kỳ thói quen nào chính là việc bắt đầu – không chỉ là lần đầu tiên thực hiện mà cả mỗi lần thực hiện thói quen đó nữa. Điều này có nghĩa rằng không quan trọng việc bạn thực hiện như nào mà là việc hành động một cách kiên định. Trong khía cạnh nào đó, việc bắt đầu còn quan hơn cả việc thành công. Điều này còn đặc biệt đúng cho quãng thời gian ban đầu vì chỉ cần bắt đầu, bạn sẽ có rất nhiều thời gian để không ngừng cải thiện.

Nguyên tắc 2 phút không nói về kết quả bạn đạt được, mà là về quá trình thực sự làm công việc đó. Nó còn đặc biệt đúng đối với những người thực sự tin rằng phương pháp còn quan trọng hơn cả mục tiêu. Trọng tâm là hãy bắt đầu hành động và để phép màu xuất hiện.

Tôi không thể đảm bảo liệu Nguyên tắc 2 phút có phù hợp với bạn hay không. Nhưng, tôi có thể đảm bảo rằng nó sẽ không bao giờ hiệu quả nếu bạn không bao giờ thử nó.

Theo Trí thức trẻ

7 Thói Quen Giúp Bạn Nói Không Với Căng Thẳng, Luôn Tràn Đầy Năng Lượng Và Đủ Sáng Suốt Để Hoàn Thành Mọi Việc

Xao nhãng, mất tập trung hay buồn ngủ, uể oải là trạng thái vô cùng phổ biến, nhất là đối với dân văn phòng. Tình trạng sức khỏe đó ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất làm việc và khả năng quản lý thời gian, cũng chính là ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Xét cho cùng, con người không phải là máy móc – chúng ta là thực thể sống dưới sự điều khiển của não bộ. Bộ não có năng lượng thì chúng ta mới có thêm sinh lực để theo đuổi những mục tiêu cao hơn. Và để làm được điều đó thực ra không hề khó. Theo gợi ý của John Zeratsky – tác giả của cuốn sách Sprint: How to solve big problem and test new ideas in just five days (Chạy nước rút: Giải quyết vấn đề và thử nghiệm ý tưởng chỉ trong 5 ngày), dưới đây là 7 thói quen tốt bạn nên duy trì để cả ngày được khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng.

Ngủ ngon hơn

Ý nghĩa của giấc ngủ hẳn không còn xa lạ với chúng ta. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, giấc ngủ có khả năng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường và béo phì, tăng cường hệ miễn dịch. Thậm chí, nó còn giúp cải thiện trí nhớ và hiệu suất tinh thần của bạn. Những trường hợp ngủ ít hơn 6 tiếng một ngày mà vẫn làm nên việc như Martha Stewart hay Barack Obama thật sự chỉ là ngoại lệ thôi. Thực tế, phần lớn chúng ta vẫn cần thiết một giấc ngủ đủ cả về chất và lượng.

Để tập thành thói quen này, đừng uống các thức uống chứa cafein sau 2 giờ chiều. Hạn chế tiết xúc với ánh sáng xanh từ màn hình điện tử, di động sau khi mặt trời lặn. Và thay vì cầm điện thoại để lướt web thì trước khi ngủ, bạn nên đọc một vài trang sách giấy cho cả cơ thể được thư giãn, dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.

Đi bộ đi làm

Vì cuộc sống vội vã mà ngày nay, chúng ta bỏ quên mất thói quen đi bộ. Đi bộ thực sự rất tốt cho cơ thể, đặc biệt là sức khỏe tim mạch. Ngay cả Hippocrates cũng nói: “Đi bộ là loại thuốc tốt nhất của con người”, vì thế nếu có thể hãy tận dụng mọi thời gian bạn có để dạo bộ vài vòng.

Nếu bạn cảm thấy không thể đi bộ đến chỗ làm (hầu hết chúng ta đều cảm thấy vậy) thì có thể chuyển từ đi xe riêng sang các phương tiện giao thông công cộng, đậu xe cách chỗ làm để có thêm một quãng đường ngắn để đi bộ… Nói chung, để đi bộ được nhiều hơn thì không khó, bạn có muốn thực hiện thói quen này hay không thôi.

Nạp chất béo cho bữa sáng

Sau nửa thế kỷ nghiên cứu về khoa học dinh dưỡng, mọi người bắt đầu nhận ra chất béo là một phần thiết yếu và lành mạnh trong khẩu phần ăn của chúng ta. Đó là nguồn năng lượng chính của mỗi người, giúp sửa chữa và tái tạo tế bào, đồng thời giảm viêm, giữ bạn no lâu.

Để nạp thêm chất béo cho bữa sáng, bạn có thể ăn các thực phẩm như trứng, bơ, sữa, cá… Chất béo trong chế độ ăn rất quan trọng nhưng nó đặc biệt tốt vào bữa sáng, giúp cung cấp năng lượng cho cả một ngày dài. Chỉ cần bạn có thói quen ăn sáng thì việc ăn thêm nhiều chất béo lúc đầu ngày không phải là việc quá khó khăn.

Đứng lên bất cứ khi nào có thể

Những nghiên cứu về sự nguy hiểm của việc ngồi quá lâu nổi lên vào khoảng năm 2010, nó chỉ ra mối quan hệ giữa việc ít vận động đến các vấn đề sức khỏe như tim mạch, ung thư, thoái hóa cơ… Thay vào đó, các chuyên gia khuyên bạn nên có những chuyển động cường độ thấp như đi lại, đứng lên ngồi xuống để cải thiện lượng máu lưu thông lên não, giúp tập trung hơn, tinh thần phấn chấn và tươi tỉnh hơn.

Thay đổi thói quen ngồi lì một chỗ quả thực không hề dễ, nhất là đối với dân văn phòng. Điều quan trọng là bạn ý thức được mình cần phải đổi từ “ngồi” sang “đứng”. Hãy đứng dậy, đi lại trong giờ giải lao; đứng khi nói chuyện với đồng nghiệp hay khi trình bày ý tưởng trong cuộc họp. Bạn không cần ép mình phải thay đổi ngay nhưng nên điều chỉnh dần dần, cố gắng đứng dậy 2 lần mỗi giờ để cơ thể quen với hành vi này.

Rời mắt khỏi màn hình máy tính

Bất kỳ lúc nào có thời gian nghỉ, bạn lại lướt Facebook? Bạn nghĩ rằng đọc những tin tức hài hước trên đó là cách giúp bạn thư giãn? Đáng tiếc là, tất cả những việc bạn làm, những điều bạn nghĩ đều đang quá sai!

Dán mắt vào các phương tiện truyền thông xã hội là việc làm tốn thời gian nhất mà cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta nhất. Thay vào đó mỗi lúc cần nghỉ ngơi, hãy nhìn ra ngoài cửa sổ để dưỡng mắt hoặc đi lại xung quanh, nói chuyện phiếm với đồng nghiệp hay ăn nhẹ một món nào đó.

Thực hiện những bài tập nhanh nhưng với cường độ cao

Nếu bạn chưa biết thì HIIT (bài tập cường độ cao, đứt quãng) không những tiết kiệm thời gian mà nó còn có thể tốt hơn so với tập thể dục bình thường như chạy bộ, tập với máy hay tập fitness. Chỉ 5 – 10 phút thôi, những bài tập này có thể giúp tăng sức chịu đựng, cải thiện trao đổi chất và tăng cường sức khỏe tim mạch.

Tập HIIT không dễ, nhưng nó sẽ là một “bài thuốc” gây nghiện nếu bạn đã quen. Ban đầu, HIIT có thể dễ gây nản chí vì cường độ cao, cơ bắp nhức mỏi. Vì thế, bạn có thể tập cách ngày nếu chưa quen, kết hợp với những bài tập nhỏ lẻ nhưng có tác động lớn vào thể lực như chống đẩy, squats, nâng tạ hay chạy nước rút…

Tập những bài ngắn trước rồi tới những bài dài hơn. Quan trọng là giúp cơ thể bạn dần quen với cường độ tập luyện này, rồi nó sẽ tự điều chỉnh để bạn không còn cảm thấy đau nhức nữa. Luyện tập thường xuyên chắc chắn đem lại lợi ích không chỉ cho sức khỏe thể chất mà còn cả tinh thần, cải thiện sự tập trung.

Làm việc nhà

Đúng, chính là làm những công việc dọn dẹp, nấu nướng, giặt giũ, mua sắm… Tự động hóa và những dịch vụ hỗ trợ khách hàng đang dần biến chúng ta thành những con sâu lười biếng và thụ động. Nhất là sau một ngày dài căng thẳng tại công sở, bạn sẽ chỉ muốn về nhà, nằm im tận hưởng mà thôi.

Tự tay làm việc nhà hoàn toàn không phải một cách “hành xác” tiếp theo mà chính xác hơn, đó là lúc để bạn giải tỏa stress. Hãy chọn những công việc đòi hỏi thể chất vừa phải như đi mua sắm thực phẩm hay lau dọn nhà cửa. Trong lúc làm những công việc đó, bạn được vận động, được hít thở không khí trong lành và được giải phóng suy nghĩ…

Chỉ riêng chiến thuật quản lý thời gian thôi là không đủ. Để có đủ năng lượng và sự tích cực, tập trung cho một ngày dài, bạn còn cần cả thể lực bền bỉ và dồi dào. Bởi thế, hy vọng bạn có thể áp dụng 7 thói quen hữu ích này vào cuộc sống thường nhật để cải thiện sự hiệu quả khi làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống hơn.

Học Quy Tắc Lãnh Đạo “Lên Tiếng khi Hiểu Đủ” Từ CEO Apple Tim Cook

CEO của Apple là người thường xuyên có những phát ngôn mạnh mẽ về thúc đẩy sự đa dạng và nhiều vấn đề khác. Các chính sách nhập cư gây tranh cãi nhất của Mỹ cũng không phải ngoại lệ. Trên thực tế, Tim Cook thường xuyên bày tỏ mối quan tâm và lên tiếng thể hiện quan điểm rõ ràng.
Tuy nhiên, tại Hội nghị thường niên CEO Initiative 2018 của Fortune hôm 25/6/2018, vị CEO nổi tiếng này nói rõ rằng, trước khi phát biểu quan điểm, ông luôn tự đặt ra các câu hỏi: “Vấn đề này liệu có phải là chuyên môn của Apple?”, “Chúng ta có quyền nói về nó không?”.

Tim Cook cho biết ông không muốn Apple trở thành một “nhà phát ngôn” về mọi thứ. Nhưng với cương vị một nhà lãnh đạo, ông tin mình có trách nhiệm nói ra cả những giá trị của công ty lẫn những giá trị mà nó dựa vào đó để vận hành.
“Tôi không nghĩ việc kinh doanh chỉ nên gói gọn trong các vấn đề thương mại. Với tôi, kinh doanh không gì khác hơn là một tập hợp những con người. Nếu con người có những giá trị thì các công ty cũng nên giống như vậy”, CEO Apple chia sẻ tại CEO Initiative 2018.

Nhưng ông cũng nói thêm, họ chỉ nên thể hiện quan điểm về một chủ đề “khi có sự hiểu biết nhất định về chủ đề đó”.
Là lãnh đạo của một công ty toàn cầu với hơn 120.000 nhân viên trên khắp thế giới, Tim Cook nói rằng ông cảm thấy hợp lý khi nói về những vấn đề như giáo dục, chính sách bảo mật, nhân quyền, nhập cư và môi trường, bởi vì ông có một vốn hiểu biết nhất định về những vấn đề này. “Chúng tôi nghĩ rằng mình có nhiều thứ để cung cấp khi nói về vấn đề môi trường”, chuyên gia công nghệ 57 tuổi nêu ví dụ.

Hồi cuối tháng 6 vừa qua, CEO Apple đã lên tiếng phản đối chính sách “đau lòng” và “vô nhân đạo” của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khi chia tách trẻ em nhập cư và cha mẹ chúng tại biên giới Mỹ với Mexico. Hứng chịu sự phản ứng dữ dội từ dư luận quốc tế lẫn trong nước, ông Trump sau đó đã cho dừng việc chia tách này lại.

Tim Cook đã so sánh trường hợp này với những động thái của chính quyền ông Trump hồi năm ngoái nhằm chấm dứt DACA (Deferred Action for Childhood Arrivals) – chương trình bảo vệ người nhập cư trẻ đến Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ, do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi động vào năm 2012. Động thái của chính quyền ông Trump dẫn đến sự bất ổn lớn, đặc biệt là đối với Tim Cook và nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Silicon Valley, vì nhiều nhân viên của họ được DACA bảo trợ.

“Tôi nghĩ cách làm này đã thể hiện sự kém tôn trọng giá trị của người khác và chúng tôi cần phải nói điều gì đó… Chúng tôi có hơn 300 nhân viên thuộc diện DACA. Tôi muốn đứng lên vì họ”, ông nêu quan điểm.

Tim Cook còn nói thêm, khi có điều gì đó diễn ra và không phù hợp với giá trị của công ty mình, điều quan trọng là phải lên tiếng. “Nếu không, bạn sẽ thuộc nhóm… người tốt và chỉ biết im lặng. Đó là điều mà tôi không bao giờ muốn trở thành”, ông khẳng định.

Thế Hệ 9X Đầu Tiên Đã Tốt Nghiệp 10 Năm, Giờ Họ Ra Sao: 28 Tuổi, Tất Cả Mới Chỉ Bắt Đầu!

Từ những học sinh tuổi 18 non nớt đầy hoài bão, 10 năm trôi qua- một cột mốc quan trọng, chúng ta giờ đã 28!

Nhiều khi tôi vô cùng chán ghét cảm giác lặng ngồi một mình và lại suy nghĩ về đoạn đường đã đi qua. Ví dụ như tôi đang ở đâu? Tôi đã bao nhiêu tuổi? Đang có cuộc sống thế nào? Những người bạn cùng tuổi giờ có cuộc sống ra sao? Dường như chỉ cần lười biếng nằm trên sofa thả hồn suy nghĩ, nghĩ về lí tưởng cuộc đời, đều sẽ làm cho bản thân trở nên lo lắng.

Hai ngày trước, một người bạn cấp ba của tôi gọi điện thoại hỏi về lĩnh vực tôi đã từng làm. Tôi bỗng thấy kỳ lạ, tôi nhớ rõ công việc của cậu ấy hoàn toàn không liên quan đến lĩnh vực này, hỏi qua hỏi lại, mới biết cậu ấy mới nghỉ việc ở doanh nghiệp nhà nước nọ.

Cậu ấy nói đã do dự rất lâu, tự thấy mình đã 28 tuổi, luôn thấy thấp thỏm không yên, nhìn thấy những người bạn bên cạnh ngày một tốt lên, còn bản thân cứ dậm chân tại chỗ, cảm thấy suốt ruột vô cùng, nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng mới quyết định nghỉ việc ở công ty đã gắn bó đến 6 năm để xin vào một công ty mới thành lập không lâu, lương cao hơn chút đỉnh, nhưng cậu muốn thử, cậu nói tránh để đến 30 tuổi lại hối hận.

Tôi mặc dù rất đồng tình việc mọi người tích cực đi tìm kiếm khả năng tiềm ẩn của bản thân, nhưng thiết nghĩ cậu làm vậy có phải đã quá mạo hiểm rồi không, nhảy đến một lĩnh vực hoàn toàn không biết gì cũng không đáng sợ, nhưng đáng sợ nhất là tự bản thân cũng không biết đây có phải lĩnh vực mình thích hay là sở trường của mình không?

Cậu nói, sự không công bằng lớn nhất của tạo hóa chính là, có những người dù tìm kiếm cả đời cũng không tìm được thứ mình thích, nhưng có những người, mới sinh ra đã ở trước mắt.

Câu nói này đã làm tôi suy nghĩ, cuối cùng tôi nói lại tất cả những kinh nghiệm mà mình có được cho cậu. Mặc dù tôi đã thất bại, có thể những kinh nghiệm này không có tác dụng nhưng tôi tin cậu có thể làm tốt hơn mình rất nhiều.

Gần đây, mạng xã hội chia sẻ không ít những bức ảnh về “10 năm sau tốt nghiệp”, “10 năm trở lại trường”. Tôi nhận thấy mặc dù cùng tuổi, nhưng cuộc sống và thu nhập đã có sự khác biệt vô cùng lớn. Đương nhiên điều này còn phụ thuộc vào việc lựa chọn hướng đi của mỗi người sau tốt nghiệp, ở lại thành phố hay về quê, và đây cũng là chủ đề được đưa ra thảo luận ở mỗi cuộc gặp mặt, nhưng có một điểm chung, đó là mỗi chúng ta vẫn đang hướng về một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Không ít lần trò chuyện, chúng tôi thường đùa nhau rằng: thế hệ 9x chúng mình có lẽ là thế hệ sống mệt mỏi nhất. Sự mệt mỏi này không phải cuộc sống quá bi thảm, cũng không phải áp lực từ người khác mang lại, mà ngược lại xuất phát từ bản thân chúng ta, so với thế hệ 7X, 8X, chúng ta suy nghĩ nhiều hơn, tính toán nhiều hơn. Dường như từ những ngày đại học đã phải đối diện và quá quen với từ “lạc lối”, chúng ta không ngừng suy nghĩ, kiếm tìm đáp án để thoát khỏi sự lạc lối của bản thân.

Trước 28 tuổi, bạn bè tôi đã có không ít người thành công, một số từ những năm đầu đại học đã tự kinh doanh, đến lúc tốt nghiệp đã tự có thể mua được nhà, một số khác đi làm không lâu đã đứng ở vị trí cao, độc lập, dư giả về tài chính, một số tự thành lập công ty, đã có vị trí nhất định trong lĩnh vực họ theo đuổi.

Mỗi lần nghĩ đến họ, nếu nói tôi không nôn nóng, lo lắng, không ngưỡng mộ chắc chắn là nói dối, có ai là không muốn thành công, để bố mẹ mình có thể hãnh diện trước họ hàng làng xóm. Nhưng suy nghĩ kỹ lại, dù sao số người thành công cũng là số ít, trong hàng trăm triệu người tốt nghiệp rốt cuộc cũng chỉ có một vài người thành danh.

Tôi có một người bạn học khác, cũng vừa nghỉ việc năm ngoái, đến nay vẫn chưa có bạn gái. Trước khi nghỉ việc, cậu làm tại phòng thí nghiệm cho một công ty hóa chất, làm được 3 năm, nếu lập bảng những công việc nhàm chán cậu từng làm, chắc chắn công việc này xếp số 1. Nghỉ tết, cậu có gặp tôi, nói, bất kể thế nào, năm nay cậu nhất định phải bỏ việc.

28 tuổi rồi, lương vẫn 8 triệu, tiền tiết kiệm cũng không có một xu, chưa cần biết người khác nghĩ thế nào, thì bản thân đã thấy không bằng lòng với chính mình. Tiếp tục duy trì tình trạng này, bạn gái chắc cũng sẽ không có, giá trị bản thân cũng sẽ mãi trói buộc ở con số 8 triệu, đó là điều mà cậu không hề mong muốn.

Thế nhưng, 28 tuổi, mọi sự bắt đầu ở tuổi này đều cảm thấy đã muộn. Cậu nói, 28 tuổi và 30 tuổi, tuổi nào muộn hơn? Cậu tìm hiểu ngành công nghệ thông tin là ngành có nhiều triển vọng trong tương lai, cũng là ngành có nhiều bấp bênh và tốc độ biến đổi nhanh nhất hiện nay. Cậu muốn thử.

Vậy là cậu nghỉ việc ở công ty cũ, mượn tiền người nhà và đi học một chương trình học tập trung về công nghệ thông tin, bắt đầu từ con số 0. Lớp học đóng cửa vào 8h tối, cậu lại xách máy tính về kí túc xá học đến 1, 2 giờ sáng. Cậu nói những người học cùng lớp với cậu, nếu không phải mới tốt nghiệp cấp ba thì cũng là sinh viên đại học chưa tốt nghiệp, cậu lớn tuổi nhất, ngồi ở cuối lớp, nhưng cậu không hề cảm thấy xấu hổ, ngược lại, còn có cảm giác quay về những năm cuối cấp trung học, vì thi đỗ đại học mà sống chết ôn thi.

Thực lòng, tôi cảm thấy vui thay cậu ấy. Khi đã 28 tuổi bạn cần phải như thế nào, tôi lúc này cũng chưa tìm được đáp án, nhưng nếu 28 tuổi có thể tìm lại được bản thân ở độ tuổi 18, tôi càng không tìm được một đáp án nào tốt hơn.

Murakami Haruki (tiểu thuyết giam dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật) ở độ tuổi 30, dựa vào tác phẩm đầu tay “Lắng nghe gió hát” và giành được giải nhất, từ đó mới chính thức tiếp tục theo đuổi sự nghiệp cầm bút. Trước đó, quán bar của ông không ít lần đứng trước nguy cơ đóng cửa, mùa đông vì tiết kiệm mà không dám bật lò sưởi, hai vợ chồng ôm chú chó cưng cùng ngủ trên một chiếc giường.

New York sớm hơn California 3 giờ, nhưng điều đó cũng không làm cho cuộc sống ở California bị chậm đi.

Có người 22 tuổi tốt nghiệp, nhưng phải 5 năm sau mới tìm được một công việc tốt.

Có người 25 tuổi đã trở thành CEO, nhưng lại ra đi ở tuổi 50.

Có người đến 50 tuổi mới giữ chức vụ CEO, và họ đã sống đến 90 tuổi.

Có những người bạn đã kết hôn, nhưng cũng có những người vẫn đơn thân.

Obama về hưu ở tuổi 55, Trump 70 tuổi mới bắt đầu giữ chức vụ tổng thống.

Trên đời này, vốn dĩ mỗi người đều có múi giờ riêng để phát triển bản thân.

Bên cạnh dường như có những người đang đi ở phía trước bạn, cũng có những người dường như đang ở sau bạn.

Nhưng thực ra là mỗi người ở trong múi giờ của chính mình.

Đừng đố kị, cũng đừng chê cười, chỉ là họ đang đi trong chính múi giờ của mình thôi, bạn cũng vậy!

Cuộc sống chính là chờ đợi cơ hội chính xác để hành động.

Vì vậy, hãy thả lỏng, bạn không sớm, bạn cũng không muộn, chỉ là cuộc sống đang  đặt cho bạn múi giờ thuộc về chính bạn, tất cả đều đúng giờ!

Sự nghiệp của một con người rất dài, mấu chốt là, bạn cần biết hoàn thiện bản thân và không ngừng tự mở rộng con đường phía trước, không nản lòng trong mọi hoàn cảnh. Nếu chỉ tiếp tục so sánh với người khác và sinh ra lo âu, trốn tránh, an phận qua ngày, đó mới là điều tồi tệ nhất.

28 tuổi đã làm được gì, tôi cảm thấy đều không cần thiết phải lo lắng, nếu không phải thiên tai nhân họa, vậy tại sao không dùng khoảng thời gian 10 năm từ 20 đến 30 tuổi để cho phép bản thân được nếm thử sai lầm. Trải qua sai lầm chính là quá trình không ngừng đối mặt với thất bại, giúp chúng ta trưởng thành hơn, cho dù sai lầm có lặp lại, thì hãy xem như bạn vẫn giữ nguyên sự trẻ trung năm đó của mình. Đối với tôi, 30 tuổi, trận chiến của cuộc sống mới thực sự bắt đầu!

Mong cho bạn có một cơ thể khỏe mạnh, một tinh thần khỏe mạnh, tất cả đều là sự sắp đặt tốt nhất!

Nguồn: Trí Thức Trẻ

Lương Cao Và Gần Nhà – Bạn Định Nghĩa Đó Là Công Việc Trong Mơ?

Lương cao và gần nhà – Bạn định nghĩa đó là công việc trong mơ?

Cái lợi nhỏ trước mắt dễ làm sụp đổ tiền đồ của bạn! Lựa chọn công việc chỉ đơn thuần là một hành động lý tính. Ngành nghề, công ty, sếp mới là những nhân tố cần phải lựa chọn khắt khe, cộng thêm với sự nỗ lực của chính bản thân thì chắc chắn công việc mà bạn đã chọn sẽ không bao giờ là kém cỏi.

Mỗi ngày chúng ta có 16 tiếng tỉnh táo, trừ đi thời gian ăn uống, sinh hoạt thì công việc chiếm tới 60%-80% thời gian. Sự nghiệp và hôn nhân là hai nhân tố lớn gây ra sự biến đổi tới cuộc đời mỗi người. Công việc không như ý sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống, sức khỏe tâm lý và việc nâng cao giá trị bản thân. Vậy thế nào là một công việc tốt và làm sao để có được một công việc tốt?

Tiêu chí 1: Có khả năng nổi bật để nâng cao giá trị bản thân

Bản chất của công việc là tối đa thương mại hóa thời gian ở nơi làm việc. Chỉ có việc không ngừng nâng cao năng lực, sáng tạo càng nhiều giá trị hơn nữa trong thời gian làm việc tại công ty mới có được một mức lương cao. Để trong tương lai khi mà sức lực của bạn không còn như lúc trẻ, bạn vẫn có thể duy trì chất lượng cuộc sống hiện tại hoặc có một cuộc sống tự do hơn.

Trạng thái lý tưởng nhất của đời người có lẽ là “kiềm nén trước và phát huy sau”. Khi còn trẻ, sinh lực dồi dào, ít điều phải bận tâm nên sẽ thích hợp với việc phấn đấu, học hỏi bản lĩnh, để đến lúc về già khi mà cơ thể đã yếu đuối mệt mỏi, nhiều thứ bận tâm, bởi vậy chỉ khi trước đó bạn đã tích lũy đủ thì mới có thể ung dung tự tại ứng phó với mọi khó khăn, thử thách.

Nếu ngược lại, lúc trẻ quá tự do tản mạn không chịu nỗ lực học hỏi khi về già mọi thứ đều sẽ hạn hẹp, thất bại sẽ tiếp nỗi thất bại.

Do vậy, bỏ ra cùng một thời gian và trí lực, làm những công việc giúp bạn thăng cấp mới là nhiệm vụ trọng yếu.

Dưới tiêu chuẩn này chúng ta hãy cùng nhau xem xét những nhân tố nào không thuộc trong phạm trù nâng cao giá trị bản thân.

Môi trường làm việc tốt đẹp ư? Địa điểm làm việc thuận lợi? Nhiều hotgirl? Lương hơn chục triệu? Đi làm không cần quẹt thẻ? Thời gian nghỉ phép linh động?… Những nhân tố này không thể đảm bảo việc “nâng cao giá trị bản thân” được. Bởi vậy khi suy nghĩ về việc có nên tiếp nhận công việc này không thì những nhân tố này sẽ không được coi trọng cho lắm. Vậy thì những nhân tố nào mới càng quan trọng hơn: Công ty có phải là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực hay ngành nghề đó không? Trình độ kỹ thuật, chất lượng quản lý, chất lượng sản phẩm có tiên tiến hay không? Sếp quản lý trực tiếp bạn có ưu tú hay không? Có thể học được những phương pháp làm việc chuyên nghiệp trong ngành hay không? Có thể tiếp cận được với những kỹ thuật tiên tiến nhất hay không? Có được tham gia các dự án mang tính sáng tạo hay không? Có những người bạn đối tác ưu tú hay không? Chọn mặt gửi vàng, đừng bao giờ xem nhẹ sức mạnh của môi trường, môi trường ở đây không chỉ đơn thuần là môi trường văn phòng làm việc mà là môi trường xã giao.

Tiêu chí thứ 2: Tập trung một đội ngũ những người làm việc đơn giản

Người trẻ kinh nghiệm thiếu sót làm thế nào để có thể nhanh chóng phán đoán một công ty có đáng tin cậy hay không? Thực ra chỉ cần bạn bắt đầu vào làm việc được khoảng một tháng là có thể cơ bản đoán được: Những người đồng nghiệp có thành tích nổi bật, làm việc có trách nhiệm có được bổ nhiệm vào những vị trí cốt cán hay không? Những đồng nghiệp có doanh số lớn có được công ty khen thưởng hay không? Những người làm việc có thâm niên liệu có được báo đáp xứng đáng thường niên hay không? Những người thích tán gẫu, không có việc gì làm, đầy tiêu cực có bị đẩy lùi sang một bên không? Hợp tác giữa các bộ phận dễ dàng hay khó khăn? Các công việc mang tính phê duyệt theo quy trình có quá phức tạp hay cứng nhắc hay không? Những ý kiến hợp lý từ khách hàng đối với sản phẩm của công ty có nhận được phản hồi hay không?

Một công ty không có chế độ thưởng phạt rõ ràng, tổ chức rời rạc, luôn chùn bước trước khó khăn thì sớm muộn gì cũng sẽ tụt lùi mà thôi. Những công việc như vậy thường có tính rủi ro lớn, bất giác sẽ làm mất đấu trí của bạn. Người trẻ nếu bước vào làm việc tại một công ty như vậy sẽ rất dễ bị đồng hóa, bởi suy cho cùng con người đều có tính lường biếng. Bạn muốn trở thành một người như thế nào thì hãy hợp tác cùng với người như thế?

Tiêu chí thứ 3: Sản phẩm của công ty đủ tốt để bạn tình nguyện giới thiệu với người thân và bạn bè xung quanh

Ý nghĩa tồn tại của một đơn vị tổ chức công ty nào đó là ở việc có thể giúp xã hội giải quyết một vấn đề nào đó. Sở dĩ có một số ít công ty trở nên vĩ đại là do họ không chỉ giải quyết được những vấn đề nhất định mà còn góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả xã hội. Nhưng trong xã hội thực tế vẫn còn tồn tại không ít những công việc mang ý nghĩa tiêu cực cho xã hội, về điểm này có thể nhìn thấy rõ trên hoạt động, phương thức kinh doanh và sản phẩm của họ. Ví dụ như những công ty cung cấp các dịch vụ sao chép giả mạo, môi giới phát tờ rơi, dán quảng cáo trên đường, những công việc lách luật nhằm thu được lợi ích trước mắt, sản phẩm giả mạo kém chất lượng… Một tiêu chí phán đoán tương đối đơn giản đó là bạn có tình nguyện giới thiệu sản phẩm của công ty mình tới bạn bè và người thân không? Nếu bạn không những yên tâm mà còn vô cùng tự hào thì chứng tỏ công ty của bạn tương đối đáng tin cậy.

Nguồn: CafeF

Hotline: 0914.780.011